1. Những chiếc vòng.
Ý thức đầu tiên của mẹ về quà tặng là những chiêc vòng của Ông ngoại. Ông rất hay mua vòng cho mẹ, nào là vòng tay, nào vòng cổ, đủ loại từ hạt nhựa, hạt thủy tinh, hạt gỗ đến vòng bằng những con ốc biển xinh xinh. Thường Ông mua vòng sau mỗi lần đi du lịch về, mỗi chiếc vòng gắn với 1 nơi nên mẹ thích lắm, vừa là có vòng đẹp để khoe các bạn lại vừa có chuyện để kể bố tớ đã đi nơi đó rồi một cách hết sức tự hào. Mẹ lớn dần, những chiếc vòng cũng ít dần đi, thay vào đó là những quà tặng ý nghĩa khác. Chiếc vòng cuối cùng Ông mua cho mẹ là sinh nhật năm mẹ học lớp 10. Hôm ấy mẹ đi học về, Ông đưa mẹ ra nhà ông Bình (bạn thân của Ông) và bảo mẹ chọn 1 chiếc dây chuyền. Mặc dù nhiều lúc bố mẹ cần tiền, mẹ đã xin phép bà nội, bà ngoại bán đi những quà tặng của hai bà khi bố mẹ cưới nhau nhưng mẹ vẫn cố gắng giữ chiếc dây chuyền ông tặng. Khi nào con gái lấy chồng mẹ sẽ tặng lại cho con. Như vậy, ông không chỉ tặng quà cho mẹ mà tặng cả cho con đấy Thư ạ.
2. Truyện
Mỗi lần ở Thái Nguyên về Nghĩa Lộ thăm mẹ và bà ngoại, Ông lại đưa mẹ đi mua sách, truyện và nhiều thứ linh tinh khác. Những quyển truyện Ông mua rất thú vị. Trong đó mẹ nhớ nhất là quyển “Kiến và chim bồ câu” và “Bác sĩ Ai- Bô Lít”, những chuyện này dạy mẹ nhiều điều. Thậy ra ngày đó bé chỉ biết đọc để biết rằng người này là tốt, người kia là xấu vậy thôi. Càng lớn càng thấm thía. Nhưng thích hơn cả là ông mua những quyển sách dạy làm đồ chơi về và “miệt mài” chơi cùng mẹ. Chỉ cần nghĩ lại những chuyện này thôi đã thấy hạnh phúc rồi. Tiếc ràng khi chuyển nhà, mẹ để lại hết cho cậu Chinh chỉ mang theo 2 quyển yêu thích nhất. Chắc cậu Chinh chẳng mấy khi dùng đến mà có dùng chắc chỉ để gấp máy bay thôi. Hai quyển mà mẹ quý nhất thì một chú bạn Ông mượn về cho con trai rồi cũng làm mất của mẹ. Hic.
3.Những sự lựa chọn
Nói như thế này cũng không thật chính xác, vì lựa chọn tức là tự mình quyết đinh, chẳng do ai đem cho hay tặng cả. Nhưng với mẹ đó cũng là một món quà của Ông ngoại. Ông đã dạy mẹ cách lựa chọn. Biết lựa chọn và biết chịu trách nhiệm với cái mình đã chọn. Chuyện bắt đầu từ khi mẹ được ông cho đi học Nhạc ở cung Thiếu nhi. Ông gợi ý, mẹ đồng ý thế là đi. Mẹ học 1 mùa hè nhưng chẳng có kết quả gì cả. Cô giáo chủ nhiệm biết chuyện mẹ đi học đàn, đề nghị mẹ đi đệm đàn văn nghệ. Kết quả là chỉ phát ra những tiếng kêu quen quen chứ chẳng phải nhạc nhẽo gì. Mẹ nhận ra mình ko có năng khiếu và từ bỏ. Ngày thi vào cấp 2 Năng khiếu, mẹ băn khoăn ko biết thi gì? Văn hay Toán? Chính Ông đã tự đăng kí cho mẹ thi toán. Lúc đó mẹ chỉ nghĩ Ông thấy mẹ học toán giỏi hơn, nhưng mãi sau này mẹ mới hiểu là Ông đã định hướng tương lai cho mẹ tư năm lớp 6 (mặc dù ý định đó ko thành công). Mẹ đỗ trường Năng khiếu như ông mong đợi. Nhưng học toán khó kinh khủng, nó không đơn giản như ngày tiểu học. Mẹ thường xuyên trong tốp cuối của sổ điểm. Ông buồn, nhưng không than phiền, vẫn hàng đêm thức khuya cùng mẹ giải bài tập. Cấp 2 khó nhọc đó khiến mẹ sợ môn toán nhưng dù sao nó cũng giúp cho mẹ có một tư duy khá logic, mạch lạc. Khiến cho bố Thư khó mà lừa dc mẹ chuyện gì.
Lên cấp 3 càng khó hơn để lựa chọn nhưng lần nay Ông để mẹ tự chọn. Chỉ đến khi nộp hồ sơ thi ĐH Ông mới ngồi với mẹ 1 đêm và cho mẹ thấy cái được cái mất của tất cả những lựa chọn trước đây của mình và những lựa chọn tiếp theo sẽ có ý nghĩa thế nào với cuộc đời của mẹ. Mẹ lúc này mới hiểu những lựa chọn của mẹ có ý nghĩa thế nào với ông. Và mẹ chọn phương án an toàn nhất. Lựa chọn ko giống ai đó mẹ gặp bố con. Chuyện bố mẹ sau này ông cũng biết và viết thư cho mẹ. Vẫn là để mẹ tự chọn nhưng ông có bật đèn xanh. Dù ông chỉ gặp bố có 2 lần.
4. Kí túc xá
Có thể nói đây là một món quà thật sự đặc biệt mà khi nhận mẹ ko khỏi băn khoăn thậm chí là hơi giận Ông nhưng giờ thì vô cùng biết ơn vì nó. Chuyện là khi đi nhập học, dù bạn bè đã rủ mẹ ở cùng, rồi bạn Ông cũng có nhà cho thuê rất gần trường nhưng Ông kiên quyết xin cho mẹ vào KTX. Ông phải ngồi đợi cả ngày và trình bày rất lâu mới có một xuất trong kí túc vì Trường có ít chỗ ở chỉ ưu tiên cho con em thuộc diện chính sách.
Ở KTX, mẹ biết thế nào là tự do và giới hạn của tự do, biết thế nào là xa cha mẹ, biết cả sự thiếu thốn và cả nhưng người thiếu hơn mình. Mỗi người bạn dạy mẹ nhiều điều về cuộc sống về sự chia sẻ, sự vươn lên. Cảm ơn KTX đã giúp mẹ có những người bạn tốt, có những kỉ niệm đẹp nà cả những niềm tự hào. Cảm ơn Ông ngoại đã giúp mẹ nhìn nhận toàn diện hơn về cuộc sống về gia đình. Trải nghiệm để thấu hiểu và để yêu thương.
5. Sự bình yên
Đôi người nghĩ rằng mẹ thiếu thốn tình cảm của Ông. Sự thật là mẹ chưa bao giờ và không bao giờ thiếu, kể cả khi ông đã đi xa. Ông đã chuẩn bị cho mẹ tất cả từ vật chất, tình cảm, tri thức và cả chỗ dựa mỗi khi mẹ thấy mệt mỏi. Kể cả khi ra đi ông cũng để lại cho mẹ một cảm giác bình yên nhất có thể. Vẫn biết sự chia lìa là không thể tránh khỏi nhưng nếu để mẹ ở bên ông giấy phút cuối cùng ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ mẹ lấy lại dc sự vui vẻ và ông cũng không dễ rời xa được. Nhưng không, ấn tượng cuối cùng về Cha của mẹ là một người khỏe mạnh nhờ con gái giặt hộ chiếc áo bó thuốc và khuyên con về đi học. Chỉ đơn giản vậy thôi. Vậy nên chưa bao giờ mẹ cảm thấy thiếu Ông, chỉ là xa nhau chút thôi, chỉ là không thể cùng nhau đi dạo…Còn bất cứ khi nào mẹ cảm thấy mất cân bằng mẹ lại kể cho Ông nghe và… mẹ bình yên trở lại. Ông luôn có cách để vỗ về mẹ, giúp đỡ mẹ và mẹ cảm nhận được điều đó. Mẹ hạnh phúc và tự hào về Ông.
Mẹ viết những điều này để lớn lên Thư hiểu một chút về Ông ngoại và cũng để bố Thư biết Bố có ý nghĩa với con gái như thế nào.
Dạo này mẹ cũng yên tâm vì bố với Thư rất thân nhau, tắm cho nhau này, tâm sự này và cho nhau đi ngủ, mỗi tội lại quên không đọc truyện cho nhau nghe. Bố vất vả hơn chút nhưng được con gái vuốt ve âu yếm và tin tưởng chắc cũng vui.